Đặc sản Phú Thọ được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có quanh vùng để tạo nên hương vị đặc trưng riêng. Hãy cùng Tuoitrehanoi.com khám phá Phú Thọ có những đặc sản gì nhé!
Chè xanh Đất Tổ
Phú Thọ được mệnh danh là “cái nôi” của ngành chè. Đến với vùng chè nơi đây, du khách sẽ được ngắm nhìn những đồi chè xanh mướt, căng tràn sức sống làm say đắm lòng người và nhâm nhi những tách trà mang hương vị đặc trưng của vùng Đất Tổ.
Bưởi Đoan Hùng – đặc sản Phú Thọ
Có hai giống bưởi là: bưởi Chí Đạm và bưởi Bằng Luân. Quả có hình cầu dẹt, nặng dưới 1kg, khi chín quả có màu vàng tươi, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, mọng nước, và vị ngọt mát. Loại quả này còn có giá trị ở chỗ có thể để được vài tháng đến nửa năm, kể cả khi vỏ đã héo, ăn vẫn ngọt, thơm và giữ được hương vị.
Bưởi Đoan Hùng bước sang mùa thu hoạch vào khoảng tháng 8 âm lịch (rằm trung thu). Tuy nhiên, với cây bưởi lâu năm, quả có thể để đến tháng 12 âm lịch hoặc lâu hơn.
Đặc sản Phú Thọ: Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua vốn là một món ăn truyền thống không thể thiếu của người Mường Thanh Sơn. Nhắc đến món thịt chua Thanh Sơn, bạn sẽ nghĩ ngay tới vị bùi bùi của thịt, sần sật của da bì nướng quyện với vị chua chua của vị thính lên men, vị chát ngọt của rau thơm cực kỳ dễ ăn. Thưởng thức trong các bữa nhậu cũng là một lựa chọn hoàn hảo.
Bánh chưng, bánh dày Hùng Lô
Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được mệnh danh là “cái nôi” của nghề gói bánh chưng, bánh dày để dâng Vua Hùng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Bánh chưng nơi đây nổi tiếng thơm ngon bởi được chọn lọc kỹ từ thịt, gạo, lá dong, rồi được nấu “mộc” bằng bếp than hồng. Ngày nay, du khách đến đình Hùng Lô nghe hát Xoan đều không quên ghé vào chợ quê mua bánh về làm quà cho người thân.
Bánh tai Phú Thọ
Bánh tai là món ăn dân dã được nhiều người dân Phú Thọ yêu thích. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và nguyên liệu đặc biệt đã tạo nên thứ bánh có màu trắng đục như sữa, bột thơm quyện với mùi thịt béo ngậy.
Bánh được chấm cùng với nước mắm pha có vị chua nhẹ, ngọt ngọt cay cay. Bánh ăn vào có cảm giác dẻo, giòn, phần nhân ít mỡ tạo nên vị béo ngậy mà không bị ngán.
Đặc sản Phú Thọ: Mỳ gạo Hùng Lô
Làm mì khô vốn là nghề truyền thống ở Hùng Lô, nổi tiếng với sợi mì sạch, trắng, nhỏ, khi nấu chín không bị nát, và được nhiều thực khách ưa chuộng. Để sản xuất ra một mẻ mì chất lượng cao, người làm phải trải qua nhiều công đoạn.
Nguyên liệu làm mì: nên chọn loại gạo sạch, ngâm tầm 4 tiếng để gạo được mềm ra. Gạo sau khi ngâm đem vo qua một lần nước nữa rồi mới cho xay thành bột. Sau đó, nhào bột thành hồ, cho hỗn hợp vào máy đùn sợi, quét ra phên và cuối cùng là công đoạn phơi khô mì.
Tương làng Bợ, tương Dục Mỹ
Tương làng Bợ được làm từ gạo nếp qua quá trình chế biến và ủ với mốc tương, nước đỗ. Nước tương nguyên chất càng để lâu, càng đỏ, càng ngọt. Các món cá, nhất là loại cá sông Đà khi kho tộ, om, nướng chả,… mà nêm nếm hay chấm với tương Bợ thì lên màu đỏ sẫm, khi nấu có mùi thơm ngậy, ăn rất ngon.
Bên cạnh đó, tương Dục Mỹ của xã Cao Xá cũng trở thành thức quà đặc biệt, ý nghĩa cho du khách. Trong khi tương làng Bợ có hương vị đậm đà đặc trưng thì tương Tân Đức có màu vàng sánh và vị ngọt thanh.
Bánh trung thu Tạ Quyết
Nói đến bánh trung thu ở vùng đất Phú Thọ thì không thể bỏ qua bánh trung thu Tạ Quyết – cơ sở sản xuất bánh lâu đời và uy tín được nhiều người biết đến… Sau hàng chục năm phát triển, thương hiệu bánh ngày nay đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân vùng Đất Tổ nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Trên đây là tổng hợp các đặc sản Phú Thọ mà bạn nên nếm qua nếu có dịp ghé vào nơi đây. Tuoitrehanoi chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời hơn khi đến vùng đất cội nguồn của nước Việt.